Trong tháng 12/2020, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Sư phạm (BDNVSP) và Bộ môn Giáo dục Tiểu học - Mầm non Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ (GD&ĐT TPCT) tổ chức khóa tập huấn “Thiết kế và vận dụng giáo dục STEAM theo hướng phát triển năng lực và Tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non năm 2020” cho gần 300 giáo viên mầm non trên địa bàn TPCT.
PGS.TS Nguyễn Văn Nở, Giám đốc Trung tâm BDNVSP phát biểu khai mạc khóa tập huấn |
Trong khóa tập huấn này, giáo viên được học và thực hành về hai chủ đề chính gồm: Vận dụng mô hình Nghiên cứu bài học (Lesson study) vào phát triển chuyên môn cho giáo viên mầm non và Tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non theo phương pháp Montessori. Mỗi chủ đề tập huấn giáo viên có cơ hội học tập, trải nghiệm và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực vào công tác giảng dạy của mình.
Buổi tập huấn với chủ đề “Vận dụng mô hình nghiên cứu bài học vào phát triển cho giáo viên mầm non” có sự tham gia của 180 giáo viên đang là cán bộ quản lí các trường mầm non và lãnh đạo phòng giáo dục các quận, huyện của TPCT. Khóa tập huấn có sự tham gia của các giảng viên Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT gồm: PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam, ThS. Hồ Thị Thu Hồ, TS. Huỳnh Thị Thúy Diễm, TS. Đỗ Thị Phương Thảo, TS. Trịnh Thị Hương, ThS. Lữ Hùng Minh và hai giảng viên của Trường Cao đẳng Cần Thơ là ThS. Trần Thị Hương Thủy và ThS. Nguyễn Thị Trường Giang. Trong hai ngày tập huấn (04-05/12/2020), giáo viên có nhiều cơ hội để nhìn nhận đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của đội ngũ giáo viên tại đơn vị mình để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển chuyên môn cho giáo viên. Sau khi thảo luận về các bước của quy trình nghiên cứu bài học, giáo viên được thực hành các kĩ năng góp ý, quan sát dự giờ, xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch triển khai tại đơn vị mình.
Các nhóm thực hành và thảo luận tại lớp |
Cũng trong chuỗi tập huấn này, ngày 17-18/12/2020, hơn 90 giáo viên mầm non của TPCT tiếp tục được tập huấn về chủ đề “Tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non” với sự tham gia của hai chuyên gia đến từ Viện Đào tạo Montessori quốc tế Canada là cô Nguyễn Thị Thanh Huyền và cô Nguyễn Thị Cẩm Vân. Đây là một trong những mảng nội dung trọng tâm trong chương trình tập huấn. Khóa tập huấn mang đến cho giáo viên những trải nghiệm về triết lí mang hạnh phúc đến cho trẻ và cho trẻ làm những điều mình thích, để trẻ có thể là “em bé hạnh phúc” trong môi trường hạnh phúc, nơi mà các em được tự do khám phá, được tôn trọng và được nuôi dưỡng tiềm năng.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Viện trưởng Viện Đào tạo Montessori, chia sẻ tại buổi tập huấn |
Cùng với việc tiếp cận nội dung tri thức này, giáo viên được hóa thân vào vai em bé ở các độ tuổi khác nhau thao tác trực tiếp trên giáo cụ, thực hành các góc giác quan; rồi trở về vai trò người giáo viên thực hành soạn giáo án và báo cáo, thực hành với giáo cụ. Đây là một sự trải nghiệm lí thú kết hợp chặt chẽ giữa lí thuyết với thực hành, giúp giáo viên kết nối các mảng lí thuyết và thực hành ứng dụng vào trong thực tiễn.
Các nhóm thực hành giáo cụ theo phương pháp Montessori |
Có thể nói, phát triển chuyên môn cho giáo viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính chất sống còn, quyết định đến sự phát triển của nền giáo dục. Và vì thế, việc thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục bằng mô hình kết nối với chuyên gia tại trường đại học để xây dựng chương trình bồi dưỡng là một hướng đi đúng đắn, thể hiện tầm nhìn mang tính chất chiến lược của Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TPCT, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo đến đội ngũ giáo viên của địa phương. Phát biểu tại buổi khai mạc khóa tập huấn, PGS.TS Nguyễn Văn Nở, Giám đốc Trung tâm BDNVSP kì vọng những nội dung của khóa tập huấn sẽ không chỉ dừng ở việc chia sẻ tại lớp tập huấn mà còn có thể mang đến một không gian trải nghiệm có ý nghĩa và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn dạy học.
Lãnh đạo Sở và Phòng giáo dục các quận, huyện chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia |
(Tin, ảnh: Khoa Sư phạm - Trường ĐHCT)