Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Trường Đại học Cần Thơ chủ động ứng phó với thách thức an ninh lương thực cùng các nước trong khu vực

Ngày 22/8/2024, tại Nhà Điều hành, Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp cùng Đại học Kasetsart (Thái Lan) tổ chức Hội thảo quốc tế về thách thức an ninh lương thực ở những khu vực dễ bị tác động và ảnh hưởng, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Chương trình quy tụ các chuyên gia đến từ các trường đại học và tổ chức trên thế giới như: Mỹ, Malaysia, Philippines, Myanmar, Cambodia, Thailand, Indonesia và Việt Nam tham dự trực tiếp và trực tuyến. Về phía Trường ĐHCT, có PGS. TS. Lê Khương Ninh, Hiệu Trưởng trường Kinh tế cùng các chuyên gia có liên quan trực thuộc Trường cùng tham dự.

Hội thảo được tổ chức tại Nhà Điều hành, Trường ĐHCT

An ninh lương thực luôn là vấn đề tiên quyết gắn liền với sự phát triển của mỗi quốc gia, nhất là trong bối cảnh thế giới đang chịu nhiều tác động của môi trường, kinh tế, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Trong đó, biến đổi khí hậu là yếu tố quan trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực; tính từ cuối năm 2015 đến nay, 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều bị nhiễm mặn, trong đó đã có 11/13 tỉnh thành công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Mặc dù đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn ở địa phương như: xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để dẫn nước, trữ nước, ngăn mặn và hệ thống đê biển cho toàn bộ các khu vực ven biển ở ĐBSCL, tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường.

PGS. TS. Lê Khương Ninh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Lê Khương Ninh chia sẻ, trong tương lai, cần tăng cường công tác bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên; phát triển chính sách đảm bảo an ninh lương thực một cách bền vững và hiệu quả. Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Kinh tế cũng mong muốn thông qua Hội thảo sẽ có được nhiều kết quả, gợi ý mang tính xây dựng, đúng với tình hình thực tế đến từ các chuyên gia.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ, trao đổi về các nghiên cứu, định hướng, ứng dụng, phát triển an toàn trong quản trị hệ thống lương thực; đánh giá tác động, khả năng thích ứng của những vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu; với mục tiêu tìm kiếm những giải pháp làm hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong nông nghiệp, thủy sản vì sự phát triển thịnh vượng chung của thế giới, đồng thời hướng đến và duy trì các mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Orachos Napasintuwong (Đại học Kasetsart, Thái Lan) phân tích về nghiên cứu an ninh lương thực ở các khu vực ven biển dễ bị tác động và ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á

Bà Kanchana Nakhapakom (Đại học Mahidol, Thái Lan) trình bày tham luận về ứng dụng công nghệ thông tin trong ước tính khu vực ven biển dễ bị tác động

Ông Mak Sithirith đến từ Trung tâm Quản lý Tài nguyên thủy sản Quốc tế (WorldFish - Cambodia) đã có tham luận về quản lý hệ thống lương thực vùng ĐBSCL tại Cambodia trong sản xuất, an ninh lương thực và di cư

Ông Châu Thi Đa (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) đã có tham luận về nghiên cứu hệ sinh thái cục bộ và toàn diện ở vùng xâm nhập mặn tại ĐBSCL

Cũng trong khuôn khổ chương trình, đại diện các đơn vị đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với các thách thức an ninh lương thực; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất; đề xuất, khuyến nghị, các giải pháp, chính sách nhằm đảm bảo nhu cầu lương thực và thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong khu vực. Để đảm bảo an ninh lương thực cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới, bên cạnh các biện pháp chung của khu vực, mỗi quốc gia cần thực hiện những biện pháp phù hợp với từng điều kiện riêng.

 Ảnh lưu niệm

Qua gần 60 năm hình thành và phát triển, Trường ĐHCT luôn là đơn vị tiên phong, chủ động thực hiện và đóng góp trực tiếp vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong nhiều lĩnh vực của quốc gia. Bên cạnh đó, Trường ĐHCT còn là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị giáo dục trong và ngoài nước; hướng đến mục tiêu hợp tác, phát triển toàn diện góp phần tích cực vào kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực và thế giới.

 

(Ban Biên tập Website) 

Lượt xem: 252

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI