Ngày 11/6/2024, tại Nhà Điều hành, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) có buổi đón tiếp ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc.
Về phía Thành phố Cần Thơ, có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Sử, Thành Ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT. Về phía Trường ĐHCT có GS. TS. Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS. TS. Trần Trung Tính, Hiệu trưởng; các Phó Hiệu trưởng: GS. TS. Trần Ngọc Hải, PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc cùng tham dự.
Buổi làm việc diễn ra tại Nhà Điều hành |
Tại buổi làm việc, Trường ĐHCT và Bộ NN&PTNT đã thảo luận, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thông minh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thống nhất trọng tâm là các vấn đề cụ thể như: định hướng phối hợp nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL; tham gia nghiên cứu vận hành các đề án trọng tâm phát triển vùng nông thôn; thảo luận về đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao giảm phát thải.
GS. TS. Nguyễn Thanh Phương phát biểu tại buổi làm việc |
Thay mặt Trường ĐHCT, GS. TS. Nguyễn Thanh Phương giới thiệu tổng quan về các nét nổi bật trong các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Trường ĐHCT trong năm 2023; kế hoạch xúc tiến xây dựng “Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thủy sản công nghệ cao vùng ĐBSCL” với mục tiêu cơ giới hóa, bảo vệ môi trường trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, GS. TS. Nguyễn Thanh Phương bày tỏ mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ NN&PTNT trong thời gian tới.
PGS. TS. Trần Trung Tính phát biểu tại buổi làm việc |
PGS. TS. Trần Trung Tính chia sẻ, hiện tại Trường ĐHCT đã ký kết hợp tác toàn diện với 9 tỉnh và 23 huyện trong vùng ĐBSCL, đây là cơ hội để Nhà trường chuyển giao công nghệ và triển khai, thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khoa học, đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Ngoài ra, PGS. TS. Trần Trung Tính cũng khái quát những định hướng phát triển ngành nông nghiệp, thủy sản của Trường ĐHCT trong tương lai như: thành lập trung tâm thực hành, thực tập cho sinh viên vùng ĐBSCL; ngày càng có nhiều chương trình đào tạo hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành; tổ chức hội thảo, tập huấn cho nông dân, nâng cao năng suất lao động; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên trao dồi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề.
Ông Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Minh Hoan đánh giá cao vai trò của Trường ĐHCT đối với sự phát triển nông nghiệp, thủy sản của vùng ĐBSCL; trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn giữa Trường ĐHCT và Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường kết nối, hợp tác song phương nhiều lĩnh vực, hướng đến ký kết hợp tác phát triển toàn diện giữa hai đơn vị. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Trường ĐHCT sẽ đồng hành cùng mười tám triệu nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo được việc làm cho vùng nông thôn và góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
Đại diện lãnh đạo các đơn vị Trường ĐHCT phát biểu xây dựng các nội dung liên quan đến các lĩnh vực: thủy sản, NN&PTNT bền vững |
Đại diện lãnh đạo các đơn vị Trường ĐHCT đã giới thiệu tổng quan về hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, thủy sản tại Trường ĐHCT và thảo luận về các vấn đề: phát triển giống cây trồng, vật nuôi riêng cho vùng ĐBSCL; tập huấn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân; đa dạng hóa các mô hình nuôi trồng thủy sản tại vùng ĐBSCL, hướng đến mục tiêu giảm phát thải, ô nhiễm môi trường, mô hình tuần hoàn kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp; Nhà trường trở thành cầu nối giúp nông dân kết nối với doanh nghiệp; phát triển du lịch nông nghiệp, gắn với văn hóa nông thôn; chú trọng đào tạo cán bộ cấp xã trong phát triển nông nghiệp bền vững; đặc biệt, Trường ĐHCT sẵn sàng tham gia vào các chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho nông dân, doanh nghiệp trong vùng nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp.
Trước đó, vào ngày 30/01/2023, Bộ NN&PTNT đã đề xuất Đề án xây dựng Trung tâm cơ giới hóa vùng ĐBSCL cho Trường ĐHCT với mục tiêu hỗ trợ trang bị máy móc, gắn cơ giới hóa với tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; thay đổi tiếp cận từ cơ giới hóa cấp hộ sang cơ giới hóa đồng bộ; phát triển các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa tập trung được cơ giới hóa đồng bộ; đào tạo nguồn nhân lực; xã hội hóa, thu hút đầu tư, tập hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển đồng bộ dịch vụ cơ giới hóa theo chuỗi giá trị nông sản, đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo, sản xuất máy móc, thiết bị trong nước.
Ảnh lưu niệm |
Qua buổi làm việc, lãnh đạo Nhà trường cũng như các đơn vị kỳ vọng chuyến thăm của Bộ trưởng sẽ góp phần tăng cường sự phối hợp giữa Bộ và Nhà trường, ngày càng nâng cao và khẳng định vai trò của Trường ĐHCT đối với sự phát triển chung của vùng và quốc gia. Trong 10 năm qua (2014 - 2024), Trường ĐHCT đã đào tạo hơn 17.500 kỹ sư, cử nhân; 3.891 thạc sĩ; 131 tiến sĩ ngành Nông nghiệp và Thủy sản; chiếm trên 60% tổng số người học tại vùng ĐBSCL. Trên nền tảng cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ giảng viên chất lượng, Trường ĐHCT cam kết ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; góp phần tích cực vào sự phát triển, tiến bộ về kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và cả nước, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
(Ban Biên tập Website)