Ngày 06/01/2024, tại Trường Bách Khoa, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về việc mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn trình độ đại học thuộc ngành Kỹ thuật máy tính. Hội thảo do Ban lãnh đạo Trường Bách Khoa chủ trì cùng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường ĐHCT; đại diện các đơn vị sử dụng lao động; sinh viên và cựu sinh viên Trường ĐHCT.
TS. Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Bách Khoa phát biểu khai mạc Hội thảo |
Thông qua nghị quyết 128/NQ-HĐT ngày 30/10/2023 của Hội đồng Trường ĐHCT, Trường Bách Khoa đã được phê duyệt chủ trương mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Kỹ thuật máy tính trình độ đại học, tuyển sinh và đào tạo năm 2024. Trường ĐHCT cũng đã thông qua các kế hoạch và điều kiện mở ngành đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thiết kế vi mạch bán dẫn là chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của công nghệ, điện tử viễn thông và tự động hóa; được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: điện tử tiêu dùng, viễn thông, ô tô, y tế, năng lượng. Ngoài ra, ngành học này còn được ứng dụng vào trí tuệ nhân tạo, xe tự hành, y tế số, internet vạn vật (Internet of Things - IoT) và nhiều lĩnh vực công nghiệp khác.
TS. Nguyễn Văn Cương chia sẻ, để chuẩn bị cho chương trình đào tạo (CTĐT) này, Trường Bách Khoa đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Quốc lập Thành Công (National Cheng Kung University), Đài Loan để liên kết đào tạo song phương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Thiết kế vi mạch bán dẫn.
Trường Bách Khoa tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về việc mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch với mong muốn được lắng nghe những ý kiến đóng góp của tất cả đại biểu về các vấn đề liên quan đến CTĐT; từ mục tiêu, khối kiến thức cơ sở ngành đến chuyên ngành. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động chia sẻ về các yêu cầu kỹ năng và kiến thức cần thiết đối với sinh viên. Hội thảo mang ý nghĩa quan trọng, giúp Trường nắm bắt thêm về nhu cầu thực tế của xã hội. Qua đó, Tổ Soạn thảo sẽ ghi nhận, bổ sung và tham mưu với Ban Giám hiệu tăng cường các học phần cần thiết để hoàn thiện CTĐT, định hướng phát triển ngành và Trường Bách Khoa có thể bắt đầu tuyển sinh trong năm 2024.
TS. Lương Vinh Quốc Danh, Trưởng khoa Điện tử-Viễn thông, Trường Bách Khoa giới thiệu về chuyên ngành Vi mạch Bán dẫn. |
TS. Lương Vinh Quốc Danh chia sẻ, theo thống kê của cộng đồng vi mạch Việt Nam, vào năm 2010, số lượng nguồn nhân lực ngành thiết kế vi mạch chỉ có khoảng 300 kỹ sư. Đến năm 2021, số lượng kỹ sư tăng lên khoảng 5.000 người. Trong khi đó, nhu cầu thực tế đang cao hơn gấp 10 lần số lượng kỹ sư hiện tại. Trong năm 2023, số lượng các doanh nghiệp lớn trên thế giới mở cơ sở và trung tâm nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến thiết kế vi mạch tại Việt Nam ngày càng tăng, nhiều công ty lớn trên thế giới như Amkor Technology (Hoa Kỳ), Hanmi Semiconductor (Hàn Quốc), Infineon Technologies AG (Đức) đã đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn hơn 1 tỷ USD.
Thông qua các thông tin được TS. Lương Vinh Quốc Danh đề cập, có thể thấy ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn là một xu hướng phát triển tất yếu của nền công nghiệp điện tử, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Đây là cơ hội để nước nhà phát triển, trở thành trung tâm công nghệ và điện tử của thế giới. Chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn được dự đoán sẽ thu hút số lượng lớn sinh viên theo học trong tương lai.
Toàn cảnh Hội thảo tại Hội trường Trường Bách Khoa |
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp và định hướng hữu ích từ các đại biểu tham dự. Các ý kiến xoay quanh môn học trong CTĐT, cơ sở vật chất trong quá trình học tập và nghiên cứu, chuẩn đầu ra của chuyên ngành.
Các đại biểu chia sẻ và đóng góp ý kiến |
Từ năm 1990, Trường ĐHCT đã mở ngành Kỹ thuật Điện tử; đến năm 2008, Trường mở thêm các ngành theo hướng chuyên sâu như Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Điện tử-Viễn thông, Kỹ thuật máy tính (Hệ thống nhúng và Thiết kế vi mạch). Việc mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn dựa trên nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; không chỉ gói gọn trong thị trường nội địa mà còn thu hút được các thị trường xung quanh, đặc biệt là Singapore và Đài Loan.
Trường Bách Khoa cam kết có đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để đầu tư, phát triển và đào tạo kỹ sư có kiến thức, trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu về tính năng động, sáng tạo. Điều đó góp phần tạo động lực to lớn vào sự phát triển, tiến bộ về kinh tế, xã hội của đất nước, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
(Ban Biên tập Website)