Sáng ngày 20/01/2024, Trường Bách Khoa, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về việc mở ngành Kỹ thuật ô tô và ngành Kỹ thuật Y sinh trình độ đại học. Hội thảo do Ban Giám hiệu Trường Bách Khoa chủ trì cùng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường ĐHCT; đại diện các đơn vị sử dụng lao động; sinh viên và cựu sinh viên Trường ĐHCT nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp từ các bên liên quan về các học phần trong chương trình đào tạo (CTĐT) để hoàn thiện và làm căn cứ thực hiện mở ngành.
Toàn cảnh Hội thảo tại Hội trường Trường Bách Khoa |
Ngành Kỹ thuật ô tô
Trong những năm gần đây, Kỹ thuật ô tô (KTÔT) là ngành mũi nhọn được Chính phủ ưu tiên trong phát triển. Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đặt mục tiêu tự sản xuất lắp ráp 78% nhu cầu nội địa và xuất khẩu 90.000 xe. Tính đến nay, cả nước có gần 400 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, trên 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô; 50 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; trên 200 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Con số này đã cho thấy thị trường ô tô Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô. Với những lợi thế đầy tiềm năng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam.
TS. Nguyễn Hữu Cường, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Cơ khí giới thiệu về chuyên ngành Kỹ thuật ô tô |
Theo TS. Nguyễn Hữu Cường, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Cơ khí, ngành KTÔT đã được Trường Bách Khoa đưa vào giảng dạy từ năm 2007 nhưng được “ẩn mình” với tên gọi Kỹ thuật Cơ khí (chuyên ngành Cơ khí ô tô). Với mục tiêu đào tạo kỹ sư cơ khí có khả năng thiết kế, chế tạo, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và gia công các thiết bị cơ khí không riêng lĩnh vực ô tô mà còn phục vụ các ngành công nghiệp dịch vụ khác. Sinh viên ngành KTÔT sẽ được đào tạo kiến thức chuyên môn và nâng cao tay nghề thông qua các học phần lý thuyết và thực hành như: vật liệu cơ khí, nguyên lý máy, cơ sở thiết kế máy, kỹ thuật điện, điện tử và tự động hóa, quản lý kỹ thuật, cấu tạo động cơ đốt trong; động cơ ô tô, tàu thủy; lý thuyết tính toán động cơ, lý thuyết ô tô, kỹ thuật sửa chữa máy; vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa ô tô, xe máy, máy kéo; hệ thống điện, hệ thống điều khiển trên ô tô, máy kéo; tính toán thiết kế ô tô; kiểm định ô tô; và các kiến thức khác liên quan đến lĩnh vực cơ khí ô tô.
Để đáp ứng yêu cầu hội nhập và đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực KTÔT, việc mở ngành đào tạo KTÔT trình độ Đại học tại Trường Đại học Cần Thơ là điều vô cùng cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào quá trình phát triển của ngành công nghiệp ô tô theo xu thế hội nhập ở khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Các đại biểu chia sẻ và đóng góp ý kiến |
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp và định hướng hữu ích từ các đại biểu tham dự. Các ý kiến xoay quanh học phần trong CTĐT như bổ sung thêm các học phần về điện, điện tử; mở rộng thêm quy mô đào tạo về lĩnh vực ô tô điện; bổ sung các học phần thực hành để sinh viên rèn luyện được nhiều kỹ năng, phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, cơ sở vật chất trong quá trình học tập và nghiên cứu, chuẩn đầu ra của chuyên ngành cũng được các đại biểu quan tâm.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Kỹ thuật Y sinh
Kỹ thuật Y sinh (KTYS) là một ngành học còn tương đối mới mẻ, nhưng được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, như: xử lý tính hiệu sinh lý học; cơ sinh học; vật liệu sinh học với kỹ thuật sinh học; tin sinh học; chẩn đoán hình ảnh; xử lý hình ảnh; mô hình hóa 3 chiều. KTYS được ứng dụng vào thực tế để phát triển và sản xuất các bộ phận giả tương thích sinh học, thiết bị y học, thiết bị chẩn đoán và các thiết bị hình ảnh như siêu âm, X quang, CT, MRI, ECG phục vụ cho việc việc nghiên cứu, chế tạo các thiết bị, công cụ chẩn đoán và điều trị với mục đích tìm ra các giải pháp chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
PGS.TS. Nguyễn Chí Ngôn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường phát biểu khai mạc hội thảo |
PGS.TS. Nguyễn Chí Ngôn đã chia sẻ: “Lĩnh vực y sinh là một lĩnh vực khoa học mang tính ứng dụng cao và có vai trò quan trọng trong việc phát triển các phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tật, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Theo chiến lược phát triển của Trường ĐHCT, lĩnh vực khoa học sức khỏe sẽ được Trường triển khai dẫn theo từng giai đoạn, ngành KTYS là ngành thứ hai của Trường ĐHCT về lĩnh vực khoa học sức khỏe”.
TS. Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng Khoa Tự động hóa, Trường Bách khoa, Trường ĐHCT báo cáo “Giới thiệu về chương trình đào tạo ngành KTYS trình độ đại học.” |
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng Khoa Tự động hóa đã trình bày một cách hệ thống và toàn diện về ngành KTYS như: giới thiệu khái niệm và vai trò của KTYS, trình bày về thực trạng đào tạo KTYS tại Việt Nam, giới thiệu về cơ hội việc làm và chương trình học tập của ngành KTYS. Ngoài ra, TS. Nguyễn Hoàng Dũng cũng đã giới thiệu về một số hoạt động nhận sinh viên quốc tế đến thực tập tại Khoa Tự động hóa, Trường ĐHCT. Đây là hoạt động ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Trường, đồng thời thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Thông qua báo cáo của TS. Nguyễn Hoàng Dũng, các đại biểu tham dự hội thảo đã có được cái nhìn tổng thể về ngành KTYS. Đây là một ngành khoa học có triển vọng phát triển trong tương lai, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao trong xã hội.
Các đại biểu chia sẻ và đóng góp ý kiến |
Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lý, cán bộ giảng viên trong và ngoài Trường, đặc biệt là sự đóng góp ý kiến từ nhà tuyển dụng – đơn vị sử dụng trực tiếp lao động từ CTĐT tạo dự kiến mở. Các ý kiến tập trung vào việc góp ý về khung CTĐT, học phần thuộc CTĐT ngành KTYS. Khung CTĐT cần đảm bảo tính logic, khoa học, đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu của CTĐT. Các học phần thuộc CTĐT cần được lựa chọn và sắp xếp một cách hợp lý, đảm bảo sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm sau chương trình |
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo; Trường Bách Khoa sẽ bổ sung, chỉnh sửa, đề xuất hướng xây dựng và xem xét tăng cường các học phần cần thiết để hoàn thiện CTĐT của ngành KTÔT và KTYS đáp ứng được tốt các yêu cầu trong thực tiễn công việc; góp phần tạo động lực to lớn vào sự phát triển, tiến bộ về kinh tế; thể hiện được tầm nhìn, sứ mệnh của nhà Trường, giúp người học phát huy năng lực bản thân, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.
(Ban Biên tập Website)