Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Trường Đại học Cần Thơ sẽ mở ngành Tâm lý học Giáo dục trình độ đại học

Với mong muốn lắng nghe ý kiến từ các nhà quản lý giáo dục, đại diện các đơn vị giáo dục, các trường đại học, đơn vị sử dụng lao động trong và ngoài Thành phố Cần Thơ, chiều ngày 06/12/2024, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về Chương trình đào tạo dự kiến ngành Tâm lý học Giáo dục trình độ đại học. Sự kiện nhằm đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện công tác xây dựng và triển khai chương trình đào tạo ngành Tâm lý học Giáo dục trình độ đại học tại Trường ĐHCT, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà trường đối với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục.

 

Toàn cảnh Hội thảo tại Trường Sư phạm, Trường ĐHCT

Tham dự Hội thảo có TS. Lê Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT; đại diện lãnh đạo Trường Sư phạm và các đơn vị liên quan thuộc Trường; cùng đại diện các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong và ngoài địa bàn Thành phố Cần Thơ. Các đại biểu tham dự Hội thảo với 2 hình thức là trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom.

TS. Lê Văn Lâm phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Văn Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở ngành Tâm lý học Giáo dục. Theo đó, việc xây dựng ngành học này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội mà còn thể hiện rõ định hướng phát triển của Trường ĐHCT là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Đồng thời Phó Hiệu trưởng cũng chỉ ra rằng: “vấn đề tâm lý học đường hiện nay đang trở nên ngày càng phức tạp và đòi hỏi phải có những giải pháp để giải quyết những vấn đề này một cách hiệu quả. Việc mở ngành Tâm lý học Giáo dục sẽ góp phần cung cấp đội ngũ chuyên gia tâm lý có đủ kiến thức và kỹ năng để tư vấn, hỗ trợ học sinh, giáo viên và phụ huynh, từ đó tạo môi trường học tập lành mạnh.” Bên cạnh đó, TS. Lê Văn Lâm cũng cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có những đặc thù riêng về văn hóa, xã hội và kinh tế, hiện đang rất cần nguồn nhân lực tâm lý học giáo dục; việc đào tạo các chuyên gia tâm lý ngay tại vùng sẽ giúp giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các vấn đề tâm lý học đường, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của vùng.

TS. Nguyễn Thị Bích Phượng, Chủ tịch hội đồng xây dựng Chương trình đào tạo ngành tâm lý học Giáo dục trình độ đại học, Trường ĐHCT giới thiệu về chương trình đào tạo

Sau phần giới thiệu về chương trình đào tạo của TS. Nguyễn Thị Bích Phượng, các đại biểu đã thảo luận, bày tỏ sự ủng hộ việc mở ngành và chương trình đào tạo ngành Tâm lý học Giáo dục trình độ đại học. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự đã đề xuất bổ sung các học phần tăng cường về ngoại ngữ, nhằm trang bị cho sinh viên những hành trang cần thiết để hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm triển khai chương trình đào tạo ngành Tâm lý học Giáo dục, đặc biệt ở cấp trung học phổ thông, nhằm giải quyết những vấn đề tâm lý học đường đang ngày càng trở nên phổ biến. Những ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo, giáo viên trong và ngoài Trường đã được ghi nhận và tiếp thu một cách tích cực, góp phần giúp Trường Sư phạm hoàn thiện việc xây dựng chương trình đào tạo ngành Tâm lý học Giáo dục.

Các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Hội thảo là cơ sở để Trường Sư phạm, Trường ĐHCT hoàn thiện việc xây dựng đề án Chương trình Đào tạo trình độ đại học ngành Tâm lý học Giáo dục, mà còn khẳng định vị thế của trường trong việc tiên phong nghiên cứu và ứng dụng các kiến thức tâm lý học vào thực tiễn giáo dục. Đây cũng là cơ hội để Trường ĐHCT xây dựng mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng, từ đó tạo ra những giá trị thiết thực cho sự phát triển của ngành giáo dục và xã hội.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

(Ban Biên tập Website) 

Lượt xem: 86

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI