Ngày 09/4/2023, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) vinh dự đón tiếp Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Jeff Alan Merkley làm Trưởng đoàn đến làm việc, qua đó củng cố quan hệ hợp tác giữa Trường và các đối tác Hoa Kỳ và gặp gỡ sinh viên Trường. Tiếp đoàn, có GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường; GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường.
Chào mừng đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ đến thăm trường |
Tại buổi gặp gỡ, GS.TS. Hà Thanh Toàn, đại diện lãnh đạo Nhà trường gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến ngài Thượng nghị sĩ và đoàn công tác; đồng thời chia sẻ thông tin về hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nổi bật là thế mạnh truyền thống trong nông nghiệp, thủy sản và môi trường, và chiến lược phát triển của Trường ĐHCT trong thời gian tới.
Thượng nghị sĩ Jeff Alan Merkley cùng GS.TS. Hà Thanh Toàn |
Theo đó, mối quan hệ hợp tác giữa Nhà trường với các đối tác Hoa Kỳ được thiết lập từ những năm 2000, khởi đầu bằng Dự án Phát triển bền vững Trung tâm Học liệu Trường ĐHCT được tài trợ bởi Atlantic Philanthropies. Kế đến, các dự án chung mang tầm ảnh hưởng như: Dự án bảo tồn đa dạng sinh học biển (Project of Conservation of Coastal Biodiversity) bởi OXFAM America; Chương trình Liên minh giáo dục đại học ngành kỹ thuật (Higher Engineering Education Alliance Program) bởi USAID, Trường ĐH Bang Arizona và Công ty Intel Việt Nam; Dự án Xây dựng liên minh trường đại học và giới công nghiệp thông qua sáng tạo đổi mới và công nghệ (Building university-industry learning and development through innovation and technology - BUILD-IT) bởi Trường ĐH Bang Arizona; Dự án AQUAFISH-CRSP bởi Trường ĐH Connecticut; Chương trình đào tạo tiên tiến ngành Công nghệ sinh học và Nuôi trồng thủy sản với sự hỗ trợ của Trường ĐH Bang Michigan và Trường ĐH Auburn; Chương trình học bổng Access (English Access Microscholarship Program) được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông qua Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Trung tâm Học liệu (TTHL), Đoàn nghị sĩ đã nghe đại diện Dự án BUILD-IT trình bày kế hoạch xây dựng liên minh trường đại học thông qua sáng tạo và đổi mới công nghệ. Đây là dự án được tài trợ bởi USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) và thực hiện bởi Trường ĐH Bang Arizona nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác đa dạng giữa chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học để liên kết chương trình giảng dạy khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học trong các trường đại học Việt Nam phù hợp với nhu cầu và năng lực của các đối tác doanh nghiệp.
Đại diện BUILD-IT chia sẻ thông tin về dự án |
Cũng tại không gian dự án BUILD-IT, Đoàn nghị sĩ tham quan triển lãm về đổi mới, sáng tạo của sinh viên Trường ĐHCT trong lĩnh vực STEM. Buổi triển lãm có sự tham gia của 12 sinh viên của Trường, giới thiệu về 3 đề tài đạt giải cao trong những cuộc thi STEM trước đây: Hệ thống bán tự động nhận diện sinh trắc vân tay cho người khuyết tật, Giải pháp xử lý nước thải nuôi tôm, Hệ thống quản lý nông trại dựa trên công nghệ IOT.
Thông qua phần trao đổi với các nhóm, Thượng nghị sĩ Jeff Alan Merkley đánh giá cao tinh thần sáng tạo và nỗ lực tìm tòi nghiên cứu của các sinh viên. Ngài hy vọng, những đề tài trên sớm được USAID và dự án BUILD-IT tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật; cũng như sớm triển khai rộng rãi nhằm giải quyết nhu cầu thực tế cho người dân, doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đoàn nghị sĩ tham quan triển lãm |
Sinh viên trường trình bày về mô hình Ngón tay giả bán tự động cho người khuyết tật |
Sau buổi triển lãm, Đoàn nghị sĩ đến thăm Điểm Hẹn Hoa Kỳ (American Hangout) tại lầu 3, TTHL, Trường ĐHCT để trao đổi cùng sinh viên Trường ĐHCT về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.
Toàn cảnh buổi thảo luận tại Không gian American Hangout |
Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi, các bạn sinh viên trường chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động về hoàn cảnh bản thân cùng Đoàn nghị sĩ; xoay quanh chuyện sinh kế người dân, chống chọi với biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường, giáo dục,... Ngoài ra, nhiều đề xuất, giải pháp đã được các sinh viên đưa ra; thông qua việc xây dựng các dự án cộng đồng, môi trường xanh; góp phần nâng cao nhận thức của người dân giúp ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.
Các bạn sinh viên chia sẻ góc nhìn và đề xuất ứng phó với biến đổi khí hậu |
Thay mặt Đoàn nghị sĩ, Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen đánh giá cao trí tuệ, sự năng động của các sinh viên ĐHCT; đặc biệt là nhận thức trong việc phải đối phó với tác động của biến đổi khí hậu. Ngài cũng chia sẻ, chính phủ Hoa Kỳ luôn có những chính sách hỗ trợ Việt Nam trong ưu tiên ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác ở khu vực ĐBSCL, đầu tư vào giáo dục đại học và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm tại Việt Nam
Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen chia sẻ với sinh viên Trường ĐHCT t |
Buổi gặp gỡ và làm việc khẳng định Trường ĐHCT luôn luôn tạo mọi điều kiện cho sinh viên Trường có cơ hội giao lưu, học hỏi, quan tâm, kết nối cộng đồng, đặc biệt là các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, hướng đến nâng cao nguồn lực, đóng góp cho xã hội bằng những giải pháp thiết thực, phát triển bền vững vùng và cả nước.
Một số hình ảnh lưu niệm sau sự kiện:
Một số chia sẻ của sinh viên, cựu sinh viên tại sự kiện:
Võ Nguyễn Minh Thùy, cựu sinh viên K41, Trường Đại học Cần Thơ
“Trong cuộc đối thoại, tôi đã chia sẻ về khoảnh khắc đầu tiên tôi nhận thức về Biến đổi khí hậu. Năm 2017, tôi có một chuyến đi đến Đà Nẵng và tôi thấy tất cả các rạn san hô ở đó đều có màu trắng. Một năm sau, khi tôi có cơ hội tham gia YSEALI SEACamp ở Bohol, Philippines, tôi đã đi lặn ở đó với các rạn san hô rất nhiều màu sắc.
Sau chương trình, tôi đã tham gia và xây dựng các dự án khác nhau liên quan đến Môi trường. Càng khám phá, tôi càng nhận ra rằng Biến đổi Khí hậu phức tạp hơn chúng ta vẫn nghĩ. Là một thế hệ trẻ, chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều thông tin về Biến đổi khí hậu nhưng lại bị hạn chế khá nhiều trong việc đánh giá tính chính xác về mức độ phức tạp của vấn đề. Họ thường đưa ra cách hiểu đơn giản và chung chung cho vấn đề mà không đưa ra nguyên nhân. Giới trẻ bây giờ đang tìm hiểu về các vấn đề, nhưng chưa chắc họ đã thực sự nhận thức được nguyên nhân của nó. Đó là lý do tại sao tôi nảy ra ý tưởng về các dự án khác nhau. Một trong số đó là Raincraft được tài trợ bởi Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồ Chí Minh. Thông qua dự án này, chúng tôi muốn cung cấp cho giới trẻ những kiến thức về sự phức tạp của Biến đổi khí hậu và nâng cao nhận thức của họ thông qua các hoạt động khác nhau như lập bản đồ Nguyên nhân - Ảnh hưởng, tìm hiểu kiến thức tích hợp trong trò chơi Minecraft hoặc xây dựng các giải pháp/dự án của riêng họ.”.
Nguyễn Định Trí, sinh viên Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ
“Trong cuộc gặp gỡ, tôi cảm nhận được sự đồng cảm và thấu hiểu rất lớn từ người dân Hoa Kỳ. Tôi kể cho họ nghe câu chuyện của tôi về biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến ĐBSCL như thế nào thông qua sự suy giảm của nhiều quần thể cá. Qua sự lắng nghe của họ, tôi biết rằng thế giới ghi nhận những khó khăn và nỗ lực của ĐBSCL, và chúng tôi - những người dân ĐBSCL - đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ thế giới. Điều này càng khẳng định niềm tin của tôi vào một tương lai ĐBSCL phát triển bền vững và từ đó truyền cảm hứng cho tôi học hỏi nhiều hơn và hành động nhiều hơn nữa cho tương lai đó”.
Em Lê Lư Huyền Trân, Sinh viên Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông:
“Em là Lê Lư Huyền Trân, em đến từ trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Là một trong những sinh viên trẻ của Trường Đại học Cần Thơ, em rất vinh dự được chào đón phái đoàn cấp cao của Hoa Kỳ đến thăm trường cũng như có được cơ hội tham gia thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của chúng ta ở ĐBSCL. Em mong muốn được chia sẻ với phái đoàn những câu chuyện có thật, những ý tưởng và tâm huyết của chúng em về ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như học hỏi kinh nghiệm và hiểu biết của họ. Chúng em tin rằng bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và các thế hệ mai sau. Chúng em vô cùng trân trọng sự hiện diện của đoàn đại biểu cấp cao từ Hoa Kỳ và vô cùng biết ơn cơ hội mà họ đã trao cho chúng em được chia sẻ những câu chuyện và ý tưởng của mình.”
Nguyễn Ngọc Gia Bảo - Sinh viên Khoa Ngoại ngữ:
“Ngay từ những năm cấp 2, thông qua những cuộc thi sáng tạo cho thanh thiếu niên em đã bắt đầu nảy sinh niềm yêu thích về những vấn đề liên quan đến môi trường. Nhìn thấy tình trạng biến đổi thất thường của thời tiết và ngập lụt ngày càng trầm trọng những năm vừa qua, em càng nhận thức rõ ràng hơn về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với tự nhiên và đời sống của người dân. Qua sự kiện tiếp Đoàn Nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 9/4 vừa qua ở Đại học Cần Thơ, sau khi được lắng nghe câu chuyện của anh chị và các bạn học sinh, sinh viên và những dự án hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, em đã thấy được nhiều tín hiệu đáng mừng cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung và của ĐBSCL nói riêng. Cũng qua đó em càng xác định rõ vai trò và định hướng của bản thân trong việc ứng phó với những biến đổi và tác động của biến đổi khí hậu.”
Nguyễn Quang Minh, Sinh viên Viện Công nghệ SInh học và Thực phẩm
“Thông qua sự kiện giao lưu với đoàn Thượng nghị sĩ, em đã có cơ hội được tiếp xúc và giao lưu một cách gần gũi với đoàn cấp cao đến từ Hoa Kỳ. Trước khi tham gia sự kiện, em mong muốn có thể chia câu chuyện của chính mình về quá trình thay đổi nhận thức các vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như cơ hội được giao lưu với các bạn trẻ có cùng mối quan tâm về vấn đề môi trường. Và thông qua sự kiện này, bản thân em đã được lắng nghe những câu chuyện của các bạn trẻ về tác động của biến đối khí hậu đối với ĐBSCL nói chung và đối với Cần Thơ nói riêng. Từ đó, em nhận thấy bản thân cần phải cố gắng và nổ lực nhiều hơn nữa, sử dụng sức trẻ của mình để giúp ĐBSCL phát triển một cách bền vững và chống chịu với những tác động tiêu cực của biến đối khí hậu. Cuối lời, em xin chân thành cảm ơn thầy Trí, đã cho em cơ hội thật sự quý báu lần này.”
(Ban Biên tập Website)