Ngày 16/8/2024, tại Hội trường Tòa nhà Phức hợp Phòng thí nghiệm (RLC), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã tổ chức Hội thảo Câu lạc bộ (CLB) Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản với chủ đề “Hướng đến Công nghệ xanh cho Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản” (Toward Green Technology for Agriculture and Forestry).
Toàn cảnh Hội thảo |
Hội thảo do GS. TS. Nguyễn Thanh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHCT chủ trì; với sự tham dự của GS. TS. Nguyễn Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Chủ tịch CLB Khối Đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản; ông Phạm Ngọc Lan, Trưởng Ban Công tác hội viên, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các trường, học viện: Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên; Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế; Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Nha Trang; Trường Đại học Trà Vinh; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Tây Đô; Trường Đại học Đồng Tháp; Trường Đại học Cửu Long; Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số; Trường Đại học Tiền Giang; đại diện các cơ quan, sở, ban, ngành và các doanh nghiệp liên quan. Về phía Trường ĐHCT có GS. TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Nhà Trường và đại diện các trường, khoa, đơn vị thuộc khối ngành cùng tham dự.
GS. TS. Trần Ngọc Hải phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS. Trần Ngọc Hải chia sẻ, nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế - xã hội, là động lực cho sự phát triển toàn diện của đất nước. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 56% tổng sản lượng lúa gạo, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng trái cây, 70% sản lượng thủy sản trên cả nước; việc phát triển bền vững nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ĐBSCL là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới đang đối mặt biến đổi khí hậu, nước biển dâng và dịch chuyển lao động giữa các khối ngành và nền kinh tế. Ngoài ra, Phó Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, Trường ĐHCT đã và đang nỗ lực không ngừng để thực hiện tốt nhất sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản luôn đóng vai trò là nền tảng, động lực quan trọng; các đóng góp của Nhà trường luôn gắn liền với các thành tựu của nông nghiệp và thủy sản trong suốt thời gian qua của vùng ĐBSCL.
GS. TS. Nguyễn Thế Hùng giới thiệu sơ lược về phương hướng, tổ chức và hoạt động của CLB Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản |
Hội thảo năm nay được tổ chức nhằm chia sẻ, trao đổi về các nghiên cứu khoa học, các định hướng ứng dụng công nghệ xanh trong lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản với mục tiêu chuyển đổi nền nông nghiệp từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất hiện đại, thông minh, đồng thời hướng đến và duy trì các mục tiêu phát triển bền vững. Các tham luận tại Hội thảo xoay quanh các chủ đề như: chuyển đổi số trong nông nghiệp; các nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường; kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính và tiềm năng tín chỉ carbon.
PGS. TS. Võ Hữu Công, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham luận với chủ đề: “Ứng dụng một số công nghệ xanh trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tại Việt Nam” nhằm nêu ra các đề xuất, giải pháp chung chung cho phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, tăng cường phát triển và chuyển giao công nghệ |
PGS. TS. Lê Minh, Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tham luận với chủ đề: “Hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững tại vùng trung du miền núi phía Bắc Việt Nam” nhằm khái quát về những mô hình nông nghiệp xanh tiêu biểu tại các tỉnh miền núi và nêu ra những khó khăn, thuận lợi, định hướng của quá trình phát triển nông nghiệp bền vững tại khu vực này |
PGS. TS. Nguyễn Hữu Tỵ, Trưởng Phòng Khoa học, Hợp tác Quốc tế và Thông tin Thư viện, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế tham luận với chủ đề: “Nghiên cứu khoa học hướng đến phát triển công nghệ xanh cho nông nghiệp tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế |
GS. TS Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế tham luận với chủ đề: “Kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính và tiềm năng tín chỉ carbon” nhằm trình bài khái quát về hiện trạng, tiềm lực, phương hướng và kiến nghị trong kỹ thuật trong định hướng sản xuất lúa chất lượng cao |
TS. Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Nha Trang đã khái quát về những dự án nghiên cứu khoa học được thực hiện trong lĩnh vực thủy sản với tài trợ của Chính phủ Nhật Bản tại Trường Đại học Nha Trang |
TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mỹ Lan tham luận với chủ đề: “Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nghiên cứu các thiết bị thông minh trong chuyển đổi số nông nghiệp” |
Bà Trần Thị Kim Thúy, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Cần Thơ tham luận với chủ đề: “Quá trình và kinh nghiệm thực hiện mô hình 50 héc-ta lúa chất lượng cao giảm phát thải tại Thị trấn Vĩnh Thạnh, Thành phố Cần Thơ với nhiều kết quả khả quan thu được bước đầu |
GS. TS. Vũ Ngọc Út, Hiệu trưởng Trường Thủy sản, Trường ĐHCT tham luận với chủ đề: “Công nghệ xanh trong thủy sản, công nghệ nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường” |
PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Khang, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp, Trường ĐHCT tham luận với chủ đề: “Một số thành tựu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp xanh” |
Trong khuôn khổ chương trình, các trường thành viên trong CLB đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên trong công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho người học có cơ hội được học tập, trau dồi kinh nghiệm trong nhiều môi trường, tăng cường lĩnh hội tri thức trong giai đoạn hội nhập quốc tế; đồng thời công bố quyết định kết nạp thêm 3 thành viên mới vào CLB, bao gồm: Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Tiền Giang và Trường Đại học Vinh.
Đại diện lãnh đạo các Trường thành viên CLB ký kết thỏa thuận hợp tác đa phương về đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động liên quan trong khối ngành |
GS. TS. Nguyễn Thế Hùng trao quyết định kết nạp thêm 3 thành viên mới vào CLB, bao gồm: Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Tiền Giang và Trường Đại học Vinh. |
GS. TS. Nguyễn Thanh Phương phát biểu kết luận Hội thảo |
Phát biểu kết luận Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Thanh Phương chia sẻ, Hội thảo được tổ chức hàng năm là hoạt động rất ý nghĩa, giúp các Trường thành viên cập nhật thêm nhiều thông tin về lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản trên cả nước hàng năm; thúc đẩy các hoạt động liên kết trong nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng giữa các đơn vị đào tạo và các khối doanh nghiệp với mục tiêu hợp tác trong giáo dục, đáp ứng các yêu cầu phát triển xã hội bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Ảnh lưu niệm |
Trường ĐHCT có vị trí trung tâm nền kinh tế của vùng ĐBSCL, qua 58 năm hình thành và phát triển, với triết lý giáo dục “Cộng đồng, Toàn diện, Ưu việt”, Trường ĐHCT luôn là đơn vị tiên phong, chủ động thực hiện và đóng góp trực tiếp vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, góp phần tích cực vào sự phát triển, tiến bộ toàn diện về kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Trên nền tảng cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên chất lượng hiện có và với vị thế là đơn vị đào tạo đại học, sau đại học hàng đầu cả nước về lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; Trường ĐHCT cam kết luôn nỗ lực, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
(Ban Biên tập Website)