Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2020, cuộc thi về Tự động hóa Mitsubishi Electric Cup Automation (MECA 2021) quay lại với nhiều thay đổi về cơ cấu và giải thưởng, hứa hẹn sẽ mang đến cho sinh viên nhóm ngành kỹ thuật công nghệ cao cơ hội được tiếp xúc và trải nghiệm các thiết bị tự động hóa nhà máy, phần mềm lập trình, robot công nghiệp được cung cấp bởi Mitsubishi Electric, một trong những thương hiệu phát triển công nghiệp, robot uy tín lâu đời của Nhật Bản.
Cuộc thi MECA năm thứ 2 có sự tham gia của sinh viên từ 6 trường đại học gồm: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Trà Vinh. Đối tượng tham gia MECA là sinh viên chưa tốt nghiệp, thi theo nhóm từ 2-4 thành viên. Các nhóm sẽ thiết kế xây dựng mô hình có tính ứng dụng thực tế và tính sáng tạo, sử dụng các thiết bị tự động hóa của Mitsubishi Electric Việt Nam như: PLC, màn hình HMI, biến tần, động cơ,...
Cuộc thi được chia thành 2 vòng đấu. Vòng loại do mỗi trường tự tổ chức, chọn ra 3 đội để tham gia vòng chung kết với 18 đội từ 6 trường. Sau thời gian khởi động từ tháng 2/2021, ngày 04/5/2021, vòng loại MECA 2021 tại Trường Đại học Cần Thơ đã diễn ra với sự tham gia tranh tài của 11 đội với 35 sinh viên thuộc 4 bộ môn của Khoa Công nghệ gồm: Điện tử viễn thông, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật cơ điện tử và Kỹ thuật máy tính.
Vòng loại MECA 2021 tại Trường Đại học Cần Thơ diễn ra tại Trung tâm Giải pháp Tự động hóa (FASC), Khoa Công nghệ |
Ban giám khảo của vòng loại MECA 2021 tại Trường Đại học Cần Thơ |
Tại vòng loại cấp trường, các đội đã thuyết trình ý tưởng thiết kế mô hình. Đề tài của các nhóm được đánh giá dựa trên các tiêu chí: tính sáng tạo, khả năng ứng dụng thực tế, mức độ phức tạp của mô hình, giải pháp kỹ thuật, giải pháp bảo vệ môi trường, giải pháp tự động hóa thông minh và khả năng thuyết trình.
Kết quả, 3 đội xuất sắc vượt qua vòng loại để tham gia vòng chung kết là: Nhóm sinh viên Phạm Văn Lộc, Võ Nhựt Hoàng, Nguyễn Quốc Long, Phạm Phú Quí với đề tài "Hệ thống điều khiển và giám sát chuồng trại"; Nhóm sinh viên Đoàn Thanh Tuấn, Trương Thành Trí, Nguyễn Minh Trí, Đoàn Hoàng Kha với đề tài "Mô hình gọt vỏ chanh tự động", Nhóm sinh viên Trần Hoàng Tuấn, Lưu Nhật Quang, Nguyễn Duy Khánh, Nguyễn Tấn Đạt với đề tài "Phân loại trái cây dựa trên độ chín".
Mỗi đội sẽ được cấp kinh phí 6 triệu đồng và thiết bị xây dựng mô hình để tham gia vòng chung kết được tổ chức vào tháng 7/2021 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nhóm sinh viên Phạm Văn Lộc, Võ Nhựt Hoàng, Nguyễn Quốc Long, Phạm Phú Quí với đề tài "Hệ thống điều khiển và giám sát chuồng trại" |
Nhóm sinh viên Đoàn Thanh Tuấn, Trương Thành Trí, Nguyễn Minh Trí, Đoàn Hoàng Kha với đề tài "Mô hình gọt vỏ chanh tự động" |
Nhóm sinh viên Trần Hoàng Tuấn, Lưu Nhật Quang, Nguyễn Duy Khánh, Nguyễn Tấn Đạt với đề tài "Phân loại trái cây dựa trên độ chín" |
Ảnh lưu niệm tại cuộc thi |
Không chỉ mở rộng quy mô, Mitsubishi Electric Việt Nam đã tăng thêm nhiều hạng mục giải thưởng hấp dẫn nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ của sinh viên vào mô hình đề tài của mình, 18 đội tham gia vòng chung kết MECA 2021 có cơ hội nhận được các giải thưởng như: 1 giải Nhất: Cúp MECA và 15.000.0000 đồng, 2 giải Nhì: 7.000.000 đồng, 3 giải Ba: 5.000.000 đồng, 4 giải Khuyến khích: 4.000.000 đồng.
Cuộc thi MECA sẽ là sân chơi để các bạn sinh viên áp dụng kiến thức đã học vào ứng dụng thực tiễn, rèn luyện kỹ năng làm việc tập thể, tinh thần đồng đội, khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề, khuyến khích các bạn trẻ tự đánh giá năng lực bản thân, nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Bên cạnh cơ hội tiếp cận các thiết bị tự động hóa nhà máy hiện đại của Mitsubishi Electric, sau cuộc thi, sinh viên sẽ có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
(Tin, ảnh: Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT)