Nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các đại sứ truyền thông khoa học, khuyến khích các nhà khoa học, kỹ sư, cử nhân và chuyên gia khoa học công nghệ, kỹ thuật khơi nguồn cảm hứng yêu thích khoa học tới cộng đồng, khuyến khích các nhà khoa học tham gia mạng lưới khoa học quốc tế, ngày 31/3/2017, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp Hội đồng Anh Việt Nam tổ chức vòng sơ khảo cuộc thi Truyền thông Khoa học Famelab Việt Nam năm 2017 khu vực Tây Nam Bộ tại Trường ĐHCT.
Vòng Sơ khảo Cuộc thi Truyền thông Khoa học Famelab Việt Nam 2017 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Trường Đại học Cần Thơ thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ |
Kể từ khi lễ hội Khoa học Cheltenham ra đời vào năm 2005, Famelab đã trở thành cuộc thi về truyền thông khoa học hàng đầu trên thế giới. Đến nay, cuộc thi đã được mở rộng ra trên 30 quốc gia trong đó có Việt Nam, với sự tham gia của hơn 5.000 nhà khoa học và kỹ sư trẻ tuổi. Năm 2017, Hội đồng Anh Việt Nam tiếp tục phối hợp với các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Cần Thơ, tổ chức cuộc thi Truyền thông Khoa học Famelab nhằm tìm kiếm ra những gương mặt xuất sắc tham gia tranh tài trong vòng chung kết toàn quốc diễn ra từ ngày 24 đến 28/4/2017 tại Hà Nội.
Sau vòng chung kết toàn quốc, đại diện của Việt Nam sẽ tham dự vòng chung kết thế giới của cuộc thi Famelab tại Cheltenham, Vương quốc Anh vào tháng 6/2017. Trong khuôn khổ cuộc thi, thí sinh sẽ được tham quan 03 ngày tại một phòng Lab bất kỳ tại một trong các quốc gia thuộc liên minh châu Âu, nhận học bổng tiếng Anh tại Hội đồng Anh, được tài trợ chi phí tham dự, tham quan từ Hội đồng Anh và EURAXESS (Mạng lưới các nhà khoa học lớn châu Âu), được đào tạo kỹ năng bởi các chuyên gia Famelab quốc tế.
Ban Giám khảo (từ trái qua) gồm: ông Trần Hoàng Tuyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, và PGS.TS. Nguyễn Minh Chơn, Viện NC&PT Công nghệ sinh học; PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi, Phòng Quản lý Khoa học; TS. Trịnh Quốc Lập, Khoa Ngoại ngữ (Trường ĐHCT) |
Tại vòng sơ khảo, trong vòng 03 phút, các thí sinh thuyết trình bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh một cách đơn giản, cụ thể và dễ hiểu về kết quả nghiên cứu khoa học mà bản thân tham gia hoặc tìm hiểu, tâm đắc. Các tiêu chí quan trọng để đánh giá thí sinh là khả năng hùng biện, nội dung và sự mạch lạc, lôi cuốn, hấp dẫn khán giả. Mặc dù tiếng Anh không là tiêu chí chính nhưng cũng khá cần thiết giúp thí sinh chuyển tải thông tin hiệu quả khi tham gia đấu trường quốc tế.
PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi, Trưởng Ban Giám khảo cho biết cùng với hai điểm thi khác tại Hà Nội và Đà Nẵng thì đây là lần đầu tiên vòng sơ khảo cuộc thi tìm kiếm đại sứ truyền thông khoa học được tổ chức ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do đó, khó tránh khỏi sự bỡ ngỡ và e dè của các bạn trẻ khi đăng ký tham gia, mặc dù vậy, 07 thí sinh trong chương trình đã thể hiện sự nỗ lực, sự tự tin, nhiệt tình, thể hiện kiến thức tốt, đáp ứng yêu cầu của cuộc thi. PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi mong rằng những năm tiếp theo cuộc thi sẽ thu hút được nhiều thí sinh tham dự, thể hiện sự gắn kết giữa khoa học và đời sống và mang kiến thức khoa học đến với cộng đồng.
07 thí sinh tại vòng sơ khảo khu vực Tây Nam Bộ |
Phần hỏi đáp giữa Ban Giám khảo và thí sinh |
PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi, Trưởng Ban Giám khảo phát biểu tổng kết |
Thí sinh Dương Thị Thủy Tiên, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ xuất sắc giành giải Nhất |
Thí sinh chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Giám khảo |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)