Ngày 19/10/2018, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội nghị khoa học đất “Sử dụng bền vững tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long 2018” nhằm trao đổi và thảo luận các kết quả định kỳ nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ trong các lĩnh vực chuyên môn về khai thác, quản lý và chiến lược sử dụng tài nguyên đất đai bền vững trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Trường ĐHCT, Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp miền Nam; Hội Khoa học đất Việt Nam; các nhà quản lý, nhà khoa học ở các sở, ban, ngành, trạm trại nghiên cứu có liên quan đến tài nguyên và nông nghiệp; cán bộ, giảng viên, cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong và ngoài Trường ĐHCT.
Hội nghị khoa học đất “Sử dụng bền vững tài nguyên đất ở ĐBSCL 2018” diễn ra tại Trung tâm Học liệu, Trường ĐHCT |
Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội có nhiều thuận lợi nhưng không ít khó khăn, thách thức, nguồn lực cho sự phát triển còn hạn chế thì đất đai là nguồn tài nguyên, nguồn lực quan trọng của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt và là điều kiện cần cho mọi hoạt động sản xuất và đời sống. Muốn phát huy nguồn lực đất đai, ngoài việc bảo vệ quỹ đất quốc gia, còn phải quản lý đất đai hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất sao cho vừa đảm bảo được lợi ích trước mắt, vừa tạo điều kiện sử dụng đất hiệu quả lâu dài, tăng cường bảo vệ môi trường đất, đảm bảo điều kiện để phát triển bền vững đất nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.
Do đó, Hội nghị khoa học đất “Sử dụng bền vững tài nguyên đất ở ĐBSCL 2018” đã tập hợp các kết quả nghiên cứu khoa học trong từng lĩnh vực chuyên sâu về: chính sách đất đai; quy hoạch sử dụng đất; quản lý tài nguyên đất bền vững; quản lý dinh dưỡng và độ phì đất; quản lý môi trường đất; đất, phân bón và cây trồng; biến đổi khí hậu trong phát triển bền vững tài nguyên đất; GIS-Viễn thám, công nghệ thông tin trong quản lý đất bền vững... Trên cơ sở đó, các nhà quản lý, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, phối hợp xây dựng và thực hiện các dự án, chương trình nghiên cứu mang tính liên ngành và việc ứng dụng các phương pháp và kinh nghiệm trong các môi trường, địa bàn và khu vực nhất định.
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu khai mạc Hội nghị |
Hội nghị đã tập trung thảo luận để tìm ra các giải pháp hữu hiệu, đồng thời đề xuất, thiết lập những cơ chế và phương thức phối hợp giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với sự phát triển bền vững tài nguyên đất của vùng như: thay đổi và quy hoạch sử dụng đất đai; thay đổi môi trường đất, nước và tài nguyên đất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất, quản lý môi trường đất, nước trước sự suy thoái nhằm đối phó với sự gia tăng của thiên tai và các nguy cơ tiểm ẩn của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hội nghị đã diễn ra với một phiên toàn thể và ba tiểu ban báo cáo theo chủ đề gồm: Tài nguyên đất và phân bón vùng ĐBSCL, Chính sách đất đai và quy hoạch sử dụng đất vùng ĐBSCL, Công nghệ trong quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên đất vùng ĐBSCL. Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã nghe lần lượt ba báo cáo chính về: định hướng sử dụng đất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, vai trò và xu hướng sử dụng phân bón cải thiện độ phì và bền vững tài nguyên đất, các mô hình và biện pháp sử dụng đất hiệu quả vùng ĐBSCL. Tại ba tiểu ban, có 14 bài tham luận được trình bày và thảo luận. Ngoài ra, 19 bài viết được đăng trong kỷ yếu của Hội nghị, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu.
TS. Nguyễn Trọng Uyên, Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp miền Nam phát biểu |
PGS.TS. Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam phát biểu |
GS.TS. Hà Thanh Toàn và PGS.TS. Vũ Năng Dũng tặng hoa thay lời cảm ơn đến các nhà tài trợ |
TS. Lê Cảnh Định với báo cáo chính "Định hướng sử dụng đất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL" |
PGS.TS. Trần Kim Tính báo cáo về vai trò và xu hướng sử dụng phân bón cải thiện độ phì và bền vững tài nguyên đất ở vùng ĐBSCL |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)