Hội thảo khoa học Công nghệ sinh học (CNSH) được Viện Nghiên cứu và Phát triển CNSH, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức lần đầu vào năm 2013 với chủ đề "Định hướng đào tạo CNSH vùng ĐBSCL giai đoạn 2013-2017 và tầm nhìn đến năm 2030" đã thu hút sự quan tâm và đóng góp của các nhà khoa học trong vùng và cả nước với gần 100 người tham dự. Hội thảo có 07 báo cáo tổng quan và 20 báo cáo tại 04 tiểu ban. Ngoài ra, 80 bài viết được đăng trong kỷ yếu của hội thảo.
Ngày 27/10/2018, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, Viện Nghiên cứu và Phát triển CNSH tổ chức Hội thảo khoa học CNSH vùng ĐBSCL lần thứ hai năm 2018 "Thành tựu và Phát triển", thu hút sự tham gia của khoảng 210 đại biểu đến từ các viện, trường, sở, ngành vùng ĐBSCL và các tỉnh, thành trong cả nước. Hội thảo nhằm trình bày các thành tựu nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo và chuyển giao có liên quan đến lĩnh vực CNSH trong nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, công nghệ thực phẩm, sinh hóa, y dược, vi sinh, môi trường,...qua đó, xây dựng chiến lược khai thác và nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển của từng địa phương.
Hội thảo khoa học CNSH vùng ĐBSCL 2018 "Thành tựu và Phát triển" diễn ra tại Trung tâm Học liệu, Trường ĐHCT |
Hội đồng khoa học của Hội thảo gồm 51 thành viên là các nhà khoa học đầu ngành trong cả nước đã phản biện và thông qua 147 bài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu và các bài tham luận về định hướng nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo về CHSH. Tại Hội thảo, có 33 bài báo cáo tham luận được trình bày xoay quanh các chủ đề: CNSH vi sinh vật, CNSH phân tử và thực vật, Sinh hóa và CNSH y dược, CNSH thực phẩm, CNSH động vật, CNSH vi sinh vật và môi trường; ngoài ra, có 35 bài báo cáo poster. Đặc biệt, 90 bài viết toàn văn được thẩm định để xuất bản trong số đặc biệt về CNSH của Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT.
Thông qua những kết quả và thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao về CNSH vùng ĐBSCL trong những năm gần đây, các nhà quản lý, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó, xây dựng các hướng nghiên cứu và đào tạo có thế mạnh và phù hợp điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương vùng ĐBSCL. Hội thảo đã tạo ra cơ hội tốt để thiết lập mạng lưới các nhà khoa học và các chuyên gia trong lĩnh vực CNSH trong cả nước, tạo nguồn lực mạnh mẽ về khoa học công nghệ cho vùng và cả nước. Hội thảo CNSH lần thứ hai tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển ngành CNSH, khẳng định bước tiến và đánh dấu sự phát triển của ngành ở Trường ĐHCT nói riêng và ĐBSCL nói chung.
PGS.TS. Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu khai mạc Hội thảo |
PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển CNSH trao hoa đến đại diện lãnh đạo Trường ĐHCT và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ |
PGS.TS. Trần Thị Thanh Hiền trao hoa đến các chủ tọa của Hội thảo |
Tặng hoa thay lời cảm ơn đến các đơn vị tài trợ |
GS.TS. Cao Ngọc Điệp trình bày tham luận về Vi sinh vật cộng sinh với Hải Miên sống ở vùng biển Hà Tiên, Kiên Giang: phân lập, đa dạng di truyền và hoạt động chất sinh học từ chúng |
PGS.TS. Từ Thanh Dung với báo cáo Phân lập, định danh và đặc điểm của vi khuẩn gây bệnh trên cá lóc (Channa striata) nuôi thâm canh ở ĐBSCL |
Các đại biểu thảo luận |
Báo cáo bằng poster cũng được nhiều người quan tâm |
Các đại biểu tham quan các sản phẩm khoa học công nghệ |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)