Ngày 05/11/2013, Hội thảo tập huấn chuyên đề "Hoạt động nghiên cứu khoa học-Sở hữu trí tuệ-Ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học" được diễn ra, tại Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Tơ, Chuyên viên chính Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Nguyễn Tuấn Hưng, Chuyên viên chính Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ; TS. Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ; đại diện lãnh đạo phòng chức năng của Trường Đại học Y dược Cần Thơ, Trường Đại học Tây Đô và Trường Đại học Trà Vinh. Về phía Trường ĐHCT có PGS.TS. Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng cùng các đại diện, lãnh đạo đơn vị, thầy cô, học viên và sinh viên Trường.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
|
PGS.TS. Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu khai mạc Hội thảo |
Với định hướng xây dựng Trường ĐHCT trở thành trường đại học xuất sắc, đại học nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trường ĐHCT đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của Trường. Vì thế, Hội thảo được diễn ra nhằm tổng kết hoạt động NCKH của Trường trong thời gian qua, chia sẻ thông tin về khoa học và công nghệ (KH&CN), đề xuất những vấn đề cần quan tâm và thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhà Trường mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu tham dự nhằm giúp cho hoạt động KH&CN của Trường ngày càng tốt hơn với mục tiêu phát triển là: nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực NCKH; triển khai đề tài dự án theo lĩnh vực ưu tiên, phục vụ phát triển Trường, ngành và địa phương; đẩy mạnh hợp tác NCKH với các viện trường, địa phương và doanh nghiệp; phát triển công tác XBP, chuyển giao KH&CN phục vụ sản xuất và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Hiện tại, số lượng đề tài NCKH của Trường giai đoạn 2007-2012 là 1.020 đề tài và 04 dự án; năm 2013 có 290 đề tài, tăng 10% so với 2012. Nguồn và tỉ lệ kinh phí từ năm 2007-2011 là 84,4 tỷ đồng; 2013 là 27 tỷ, ở địa phương gần 20 tỷ. Để hoạt động KH&CN ngày càng phát triển hơn nhà trường đã đề xuất một số giải pháp như: tăng mạnh nguồn kinh phí cho hoạt động KH&CN; rà soát và xây dựng lại quy trình thanh chi NCKH, đơn giản hóa thủ tục, hệ thống kế toán; hỗ trợ công tác xác lập quyền SHTT, chuyển giao công nghệ, phân chia lợi ích phù hợp; đổi mới hình thức triển khai các lĩnh vực NCKH ưu tiên, tăng cường sự hợp tác trong và ngoài Trường; nâng cao tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều báo cáo chuyên đề xoay quanh thực trạng NCKH, SHTT và ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học, định hướng, nhiệm vụ và những vấn đề cần quan tâm trong lĩnh vực này, trên cơ sở đó Hội thảo sẽ thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm tìm ra hướng phát triển tốt nhất cho hoạt động này tại Trường.
|
TS. Lê Văn Khoa, Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học trình bày báo cáo tại Hội thảo |
|
TS. Nguyễn Thị Tơ, Chuyên viên chính Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)