Chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (GDQP&AN) Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) (2003 - 2023), chiều ngày 11/3/2023, Trung tâm tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Hoạt động Giáo dục quốc phòng và an ninh thành tựu và phát triển”. Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, các cán bộ quản lý, giảng viên tham gia ý kiến, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, tìm ra giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giảng dạy tại Trung tâm GDQP&AN Trường ĐHCT nói riêng và trên cả nước nói chung.
Toàn cảnh Hội thảo tại Hội trường 4, Nhà điều hành, Trường ĐHCT |
Tham dự Hội thảo có đại diện Quân khu 9, các trường và trung tâm GDQP&AN khắp cả nước. Về phía Trường ĐHCT, có Chủ tịch Hội đồng Trường, các thành viên Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường cùng Ban lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của Trung tâm GDQP&AN.
Chủ trì Hội thảo gồm: GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm GDQP&AN Trường ĐHCT; Đại tá, TS. Cao Ngọc Báu, Phó Giám đốc Trung tâm GDQP&AN Trường ĐHCT; Đại tá, TS. Nguyễn Văn Chuộng, Chính ủy Trường Quân sự Quân khu 9.
Chủ trì Hội thảo |
GS.TS. Hà Thanh Toàn phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe bốn báo cáo tham luận từ các trường và trung tâm GDQP&AN với các nội dung xoay quanh: Nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng, giáo dục, phổ biến kiến thức Quốc phòng và An ninh trong tình hình hiện nay; Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu chương trình GDQP&AN theo Thông tư 05/2020/TT-BGDĐT; Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập cho sinh viên học trực tuyến; Phương hướng đổi mới phương pháp giảng dạy môn GDQP&AN ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay.
Các đại biểu trình bày tham luận |
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 52 bài viết của các nhà khoa học; giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, cán bộ quản lý phòng, khoa, trung tâm trong cả nước. Sau quá trình phản biện độc lập, có 34 bài viết được chọn đăng trong Kỷ yếu của Hội thảo.
Kết quả hội thảo và kỷ yếu sẽ giúp các nhà khoa học, các nhà quản lý, đội ngũ giảng viên GDQP&AN và xã hội có cái nhìn khách quan, chính xác, tích cực hơn về vai trò, nhiệm vụ và những đóng góp của công tác GDQP&AN, từ đó, có các chủ trương, chính sách, hỗ trợ và cũng là cơ sở đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước về đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình, nội dung GDQP&AN phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng kịp thời tình hình thực tế hiện nay.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
(Ban Biên tập Website)