Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Hội thảo tổng kết dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững”

Ngày 05/12/2023, Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), đã tổ chức Hội thảo tổng kết dự án "Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản bền vững". Dự án tập trung vào phát triển phương pháp nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước và bảo vệ môi trường. Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo đơn vị Trường ĐHCT, đại diện từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), các hợp tác xã và nông hộ quan tâm đến lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản.

Toàn cảnh chương trình hội thảo

Phát biểu tại chương trình, GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả sử dụng nước và bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản. Bên cạnh đó Phó Hiệu trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến các đơn vị có liên quan và các nhà tài trợ đã hỗ trợ để dự án được triển khai thành công.

GS.TS. Trần Ngọc Hải phát biểu khai mạc chương trình

Ông Ngô Tiến Chương, đại diện GIZ Việt Nam, cũng giới thiệu về hoạt động hỗ trợ của GIZ trong việc phát triển dự án và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới trong ngành. Đại diện GIZ Việt Nam cũng cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Trường ĐHCT trong các hoạt động liên quan đến nuôi trồng thủy sản để cùng mang đến cho nông hộ nuôi trồng công nghệ tiên tiến nhất.

Ông Ngô Tiến Chương, đại diện GIZ Việt Nam giới thiệu về các hoạt động diễn ra xuyên suốt dự án

Dự án "Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản bền vững" nhằm tạo ra những cải tiến trong việc sử dụng nước trong ngành nuôi trồng thuỷ sản. Phương pháp nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh đã được chọn làm trọng tâm nghiên cứu và áp dụng trong dự án, nhằm giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng cường hiệu quả sản xuất. Qua dự án, các nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới đã được tiến hành để cải thiện hệ thống tuần hoàn nước và đa dạng hóa sinh học. Nhờ đó, các nông hộ nuôi trồng thuỷ sản đã được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để áp dụng phương pháp nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh một cách hiệu quả, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

 

 Hệ thống CTU-RAS được giới thiệu đến hội thảo

Tại chương trình, các đại biểu đã được lắng nghe phần trình bày và thảo luận chi tiết về hệ thống tuần hoàn CTU-RAS cho nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, từ thiết kế vận hành đến, chất lượng môi trường nước, vi sinh đến kết quả ứng dụng trên hệ thống. Những đề xuất và giải pháp cũng đã được đưa ra để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng và nhân rộng mô hình CTU-RAS như: sử dụng công nghệ tiên tiến; tăng cường đào tạo và giáo dục cho người nuôi trồng; đẩy mạnh sự hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp; đề xuất các chính sách và quy định hỗ trợ cho ngành.

 
 

Các đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận

Hội thảo tổng kết dự án "Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản bền vững" đã mang lại những kết quả tích cực và đánh dấu sự phát triển của ngành nuôi trồng thuỷ sản, góp phần quan trọng vào việc xây dựng một ngành nuôi trồng thuỷ sản bền vững và bảo vệ môi trường tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh lưu niệm

 

(Ban Biên tập Website) 

Lượt xem: 404

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI