Nhằm mục đích nâng cao nhận thức trong việc tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật về tội phạm công nghệ cao trên không gian mạng và kinh doanh đa cấp biến tướng trong cộng đồng sinh viên Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Ngày 24/3/2024, tại Hội trường Rùa, Trường ĐHCT tổ chức “Hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng ngừa tội phạm lừa đảo công nghệ cao và đa cấp biến tướng”. Tham dự Hội nghị có GS. TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Thượng tá, ThS. Nguyễn Hoàng Phương, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Thành phố Cần Thơ cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và đặc biệt là đông đảo sinh viên Trường ĐHCT.
Toàn cảnh Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS. TS. Trần Ngọc Hải chia sẻ: “Với triết lý đào tạo của Trường ĐHCT là Cộng đồng - Toàn diện - Ưu việt, Nhà trường không chỉ tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và định hướng, phát triển nghề nghiệp; mà còn tạo điều kiện để sinh viên nâng cao sức khỏe, tinh thần, thể chất, vững vàng tư tưởng, nuôi dưỡng hoài bão, phát triển bản thân, góp phần sự phát triển chung cộng đồng và xã hội. Chính vì những lý do đó, Trường ĐHCT tổ chức buổi “Hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng ngừa tội phạm lừa đảo công nghệ cao và đa cấp biến tướng” để phổ biến cho sinh viên hiểu rõ hơn về các thủ đoạn lừa đảo tinh vi và cách nhận biết để sinh viên kịp thời phòng tránh, tố giác, góp phần xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh. Nhà trường xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng và kinh doanh đa cấp có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với mọi sinh viên.”
GS. TS. Trần Ngọc Hải phát biểu khai mạc Hội nghị |
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thượng tá, ThS. Nguyễn Hoàng Phương đã lưu ý các thủ đoạn tiêu biểu mà tội phạm sử dụng để lừa đảo thường là lợi dụng lòng tham, lòng tin và sự sợ hãi của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, với nhiều hình thức tinh vi như: kêu gọi đầu tư, tài chính, tiền ảo trên các sàn giao dịch với khả năng thu lời cao; tự xưng là nhân viên các tổ chức, cơ quan Nhà nước,... để yêu cầu nạn nhân nhắn tin theo cú pháp đối tượng đưa ra để chiếm đoạt tài khoản tài khoản ngân hàng, ví điện tử; giả danh giáo viên, nhân viên y tế bệnh viện báo tin người thân bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí hoặc giả danh Cảnh sát Giao thông, cơ quan Công an, Viện kiểm sát để gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn nhằm gây sức ép, dọa nạt, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Bên cạnh đó, Thượng tá, ThS. Nguyễn Hoàng Phương khuyến cáo sinh viên luôn đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi lạ; không cung cấp thông tin cá nhân, như: ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng,... cho bất kỳ đối tượng lạ nào; không truy cập các đường link không rõ nguồn gốc trong tin nhắn, email; không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng.
Thượng tá, ThS. Nguyễn Hoàng Phương trình bày về về phòng ngừa tội phạm lừa đảo công nghệ cao |
ThS. Võ Hoàng Tâm, Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ đã có phần trình bày về “Phòng ngừa kinh doanh đa cấp biến tướng” và chia sẻ về các dấu hiệu nhận biết, bao gồm: công ty yêu cầu người tham gia phải đặt cọc hoặc trả tiền để được tham gia vào mạng lưới; công ty không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định; lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng, lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới; công ty hướng dẫn bạn cách vay tiền để mua sản phẩm hoặc vay tiền để đóng phí tham gia; cuối cùng, công ty bắt buộc và hối thúc người tham gia mua hàng dù không thể bán ra thị trường. Để tránh rơi vào bẫy của các hệ thống đa cấp lừa đảo, sinh viên cần lưu ý, tìm hiểu về doanh nghiệp đa cấp trước khi tham gia trên các tiêu chí: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; doanh nghiệp đã từng bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt chưa; tìm hiểu thông tin về lịch sử hình thành và hoạt động của doanh nghiệp; tìm hiểu về phương thức bán hàng, loại hình dịch vụ và các hình thức kinh doanh khác như hợp tác đầu tư, huy động vốn.
ThS. Võ Hoàng Tâm trình bày về phòng ngừa kinh doanh đa cấp biến tướng |
Trước khi kết thúc Hội nghị, hai báo cáo viên đã dành thời gian để giải đáp thắc mắc, đặt ra tình huống giả định để sinh viên có cách nhìn khách quan và tìm ra hướng giải quyết khi bản thân hoặc mọi người xung quanh gặp phải tình huống tương tự. Thông qua đó giúp sinh viên sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; ngăn chặn, hạn chế tối đa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, trang bị kiến thức, hiểu biết về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng để chủ động cảnh giác, có ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tải sản và tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện nghi vấn hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; góp phần phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng, nhận thức về bán hàng đa cấp, để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lừa đảo.
Ảnh lưu niệm |
(Ban Biên tập Website)