Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”

Ngày 27/3/2024, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp cùng Báo Tiền Phong đã tổ chức Hội thảo “Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Chương trình diễn ra tại Hội trường Ban Giám hiệu, Nhà Điều hành, Trường ĐHCT.

Hội thảo có sự tham dự của Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ cùng đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện sở, ban, ngành các tỉnh đang chịu tác động bởi hạn, mặn gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang và các chuyên gia, chủ đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy lợi, môi trường, biến đổi khí hậu, trồng trọt, nước sạch. Về phía Trường ĐHCT có PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.

 Toàn cảnh buổi Hội thảo

Quá trình xâm nhập mặn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, sự phát triển bền vững của nguồn tài nguyên thiên nhiên và để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho cả vùng ĐBSCL. Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thủy sản và làm sự giảm đa dạng sinh học. Đây không chỉ là một vấn đề cục bộ mà còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng cả khu vực lân cận. Nguyên nhân chính của hiện tượng này xuất phát từ biến đổi khí hậu, như hạn hán kéo dài, ngập lụt và mực nước biển tăng cao. Bên cạnh đó, hạn, mặn cũng xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan do con người gây ra, như xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình ngăn chặn dòng chảy tự nhiên của nước, đặc biệt là vấn đề quản lý nước chưa đạt hiệu quả.

PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung chia sẻ: “Tính từ cuối năm 2015 đến nay, cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn, trong đó đã có 11/13 tỉnh thành công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Mặc dù đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn ở địa phương như: xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để dẫn nước, trữ nước, ngăn mặn và hệ thống đê biển cho toàn bộ các khu vực ven biển ở ĐBSCL, tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường. Việc nâng cao nhận thức, thiết kế và triển khai chương trình hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề ứng phó với tình trạng hạn mặn cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đang rất cấp bách. Bên cạnh các biện pháp chung ở cấp vùng, mỗi địa phương trong khu vực cần thực hiện những biện pháp riêng phù hợp với điều kiện của mình. Trong buổi Hội thảo hôm nay, chúng tôi mong muốn sẽ có được nhiều kết quả, gợi ý có giá trị về mặt khoa học, thực tiễn để cung cấp tới các bộ ngành, địa phương áp dụng vào thực tế, để thích ứng dài hạn với hạn, mặn trong sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng ĐBSCL.”

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 23 đến 28/3, các tỉnh ĐBSCL tiếp tục gánh chịu một đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng. Có nghĩa là tại thời điểm tổ chức Hội thảo, người dân ĐBSCL đang trải qua những ngày hạn mặn, thiếu nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt. Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Từ nửa cuối tháng 11/2023, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các sông theo đỉnh triều trong ngày. Từ tháng 12 đến nay, nhiều đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng tiếp tục xảy ra, trong đó đỉnh điểm là tháng 3. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8 đến 13/3 với ranh mặn 4‰ lấn sâu vào các dòng sông từ 40-66km, có nơi sâu hơn. Tính đến hiện nay, theo cơ quan chức năng, xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ so với năm 2016, riêng tại Bến Tre có nơi thậm chí còn sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016 - năm mà chúng ta biết là hạn mặn kỷ lục đã xảy ra ở ĐBSCL.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Điệp, Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường ĐHCT tham luận về vấn đề “Tình hình hạn, mặn vùng ĐBSCL - Giải pháp thích ứng sống chung với hạn, mặn"

Một số giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn được PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Điệp đưa ra như: khuyến khích nông dân dự trữ nước ngọt, nước mưa hiệu quả, an toàn, tái sử dụng nước ngọt cho mục đích chăn nuôi và trồng trọt; chuyển giao khoa học công nghệ, tập trung phát triển và áp dụng những công nghệ mới vào thực tế, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống thủy lợi, hệ thống đê biển, đê sông để ứng phó với nước biển dâng cao; chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng để thích ứng với tình hình thực tế, nên trồng các loại cây thời vụ có thể chịu được mức độ mặn cao; nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng mới, có khả năng chịu phèn, chịu mặn để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và hạn chế thất thoát trong quá trình canh tác; sản xuất theo hướng tập trung, quy mô như hợp tác xã để có những kế hoạch, định hướng, nắm bắt thông tin, dự báo và giải quyết các vấn đề chung trong hoạt động chăn nuôi, trồng trọt.

 PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Cố vấn Khoa học Viện nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường ĐHCT đã có những đánh giá về những giải pháp công trình và phi công trình trong ứng phó với hạn, mặn

PGS. TS. Lê Anh Tuấn chia sẻ: “Vì đặc thù nền đất vùng ĐBSCL là nền đất yếu, giàu phù sa nên khó để triển khai, xây dựng các công trình thủy lợi quy mô lớn. Do đó, các chuyên gia, chủ đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy lợi cần tìm kiếm những giải pháp ngăn mặn thực sự hiệu quả nhưng không để lại hậu quả; việc trữ nước ngọt hay nạo bới đất ở lòng sông, ven sông để đắp đê ngăn mặn phục vụ cho nông nghiệp sẽ gây ra sạt lở và sụt lún, tạo cơ hội để nước biển xâm nhập sâu hơn vào các cửa sông; ảnh hưởng nặng nề cho nền đất của khu vực, rất khó khắc phục và tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân trong vùng.”

Các nhà khoa học, đại diện cơ quan ban, ngành tham gia Hội thảo đã thảo luận, đóng góp ý kiến, tìm ra nhiều giải pháp ứng phó với hạn, mặn và thống nhất không phòng, chống hạn mặn một cách cực đoan mà phải dựa vào yêu cầu thực tế và điều kiện từng nơi để có những định hướng trong trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, cần tính đến đặc điểm riêng của từng vùng mặn, ngọt, lợ của vùng; tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng các định chế của Ủy hội sông Mê Kông và các nước có liên quan đến vấn đề nước xuyên biên giới, để bảo vệ lợi ích quốc gia. Trong tương lai, ĐBSCL cần có lộ trình, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực và xem hạn, mặn là đặc tính chu kỳ để xây dựng các kế hoạch phù hợp; tăng cường công tác bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái đa dạng; phát triển chính sách quản lý tài nguyên đất và nước một cách bền vững và hiệu quả.

Ảnh lưu niệm

Hiện tượng hạn, mặn ở ĐBSCL đòi hỏi sự chung tay của các ban, ngành chức năng và sự chủ động của người dân để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, môi trường. Trong tình hình mới, người dân vùng ĐBSCL cần có nhiều phương án thích nghi với hạn, mặn, phát triển kinh tế ven biển phù hợp, hướng đến mục tiêu an toàn, thịnh vượng, đảm bảo an ninh lương thực của vùng trong tương lai.

 

(Ban Biên tập Website) 

Lượt xem: 635

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI