Ngày 24/10/2024, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng hiện nay - Thực trạng và giải pháp”; với sự tham dự của GS. TS. Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT; ThS. Trần Thị Thanh Điệp - Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Cần Thơ cùng các giảng viên, chuyên gia, cán bộ quản lý, sinh viên đến từ cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang.
Hội thảo diễn ra tại Nhà Điều hành, Trường ĐHCT |
Phát biểu chào mừng đại biểu tham dự Hội thảo, GS. TS. Trần Ngọc Hải chia sẻ: “trong bối cảnh hiện nay, các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ đã trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng được quan tâm hàng đầu; Trường ĐHCT là một trong những đơn vị giáo dục đại học tiên phong trong nhiều hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ như tổ chức các cuộc thi trong sinh viên, hội thảo nhằm tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng sinh viên, các đơn vị giáo dục trong khu vực và thu được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng hiện nay - Thực trạng và giải pháp”, Trường ĐHCT tin tưởng với những ý kiến đóng góp từ các giảng viên, chuyên gia, cán bộ quản lý và các đại biểu tham dự sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời, những trao đổi tại Hội thảo sẽ giúp thúc đẩy quá trình ứng dụng các giải pháp thực tiễn trong môi trường giáo dục, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài sản trí tuệ; khẳng định vai trò của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.”
GS. TS. Trần Ngọc Hải phát biểu chào mừng đại biểu tham dự Hội thảo |
Hội thảo diễn ra với các tham luận như: giá trị tài sản trí tuệ trong môi trường giáo dục, các văn bản pháp lý quốc tế điều chỉnh, điều kiện và cách thức thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, thực tiễn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu tại các trường, giá trị tài sản trí tuệ trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo.
Viện sĩ, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tham luận với chủ đề “Giá trị tài sản trí tuệ trong môi trường giáo dục Đại học/Cao đẳng - Thực tiễn bảo hộ hiện nay tại các cơ sở giáo dục” |
ThS. Trần Thị Thanh Điệp tham luận với chủ đề “Xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Cần Thơ” |
PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tham luận với chủ đề “Những văn bản pháp lý quốc tế điều chỉnh quyền sở hữu công nghiệp, cơ hội và thách thức cho Việt Nam |
PGS. TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học, Trường ĐHCT tham luận với chủ đề “Vai trò của Sở hữu trí tuệ đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam” |
ThS. Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ tham luận với chủ đề “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay” |
TS. Trần Lê Đăng Phương, Trường Đại học An Giang tham luận với chủ đề “Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, sáng chế tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng” |
TS. Trần Lê Đăng Phương; Viện sĩ, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện và ThS. Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, Khoa Luật, Trường ĐHCT (từ trái sang) điều hành phần thảo luận |
Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo |
Hội thảo đã diễn ra thành công với sự đồng thuận và thống nhất cao từ các đại biểu về tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đồng thời mở ra nhiều hướng hợp tác mới giữa các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo không chỉ làm rõ thực trạng và thách thức trong quá trình xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng mà còn đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Những kết quả thu được từ Hội thảo là cơ sở quan trọng để các đơn vị giáo dục trong khu vực tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và đẩy mạnh công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế tri thức, khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cộng đồng giáo dục và nghiên cứu.
Ảnh lưu niệm |
(Ban Biên tập Website)